Trồng cây Lộc Vừng không khó nhưng cần chăm chút để cây sống, phát triển bền lâu và đạt hiệu quả ra hoa. Ngoài việc làm cây cảnh, cây Lộc Vừng còn được trồng làm cây bóng mát.
Nhiều người cho rằng Lộc Vừng là loại cây ưa nước, thường trồng ngoài bờ ao, nơi đầm lầy. Tuy nhiên, việc trồng cây vào chậu cũng là một lựa chọn tốt. Khi trồng cây vào chậu, cần đảm bảo lỗ thoát nước để tránh tình trạng cây bị thối rễ và héo rũ.
Cây Lộc Vừng thường ra hoa từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, mùa mưa nhiều. Tuy nhiên, loại cây Lộc Vừng lá tròn thường ra hoa sớm, bông dài và tồn tại lâu hơn so với loại cây Lộc Vừng lá dài.
Cách trồng và chăm sóc cây Lộc Vừng
Cách trồng
Để trồng cây Lộc Vừng vào chậu, ang hoặc bể, trước tiên cần có lỗ thoát nước. Đất trồng cây Lộc Vừng nên là đất màu trộn thêm trấu, xỉ than, lò gạch đập nhỏ và ít phân chuồng hoai mục. Sau khi trồng, cần tưới nước để duy trì độ ẩm vừa phải cho cây ra rễ mới. Khi cây phát triển mạnh, nghĩa là bộ rễ đã khỏe, có thể tưới nước thỏa mái nhưng cũng không được để ngậm nước. Nếu rễ bị ngập trong nước không thoát khí, sẽ gây thối và cây sẽ héo rũ và chết. Nếu muốn cây ngậm nước trong ang, bể hoặc chậu, lúc mới trồng cần xếp gạch hoặc đá quanh bầu, tưới nước giữ độ ẩm. Khi rễ mọc ra xung quanh bầu đất, ta bỏ gạch đá ra, bịt lỗ thoát lại và tiếp tục ngậm nước cho cây.
Cách chăm sóc
Việc chăm sóc cây Lộc Vừng cũng tương tự như chăm sóc các loại cây cảnh khác. Đặt bồn cây ở nơi thoáng đạt để cây phát triển đều ở cả 4 phía. Hàng ngày cần tưới nước giữ độ ẩm tối đa cho cây. Luôn quan sát và tiêu diệt côn trùng bằng cách dùng kẹp hoặc phun thuốc. Mỗi tháng nên tưới nước phân bổ cho cây một lần. Hai, ba năm trồng lại, nên thay đất mới để đảm bảo cây luôn đủ chất dinh dưỡng để phát triển và ra hoa đúng mùa.
Đối với trường hợp cây Lộc Vừng trồng trong ang, bể hoặc chậu không đảm bảo kỹ thuật và bị ngậm nước, cần khắc phục ngay bằng cách vặt bỏ lá và khoan lỗ sát đáy để thoát nước nhanh. Sau đó, để bầu đất khô một thời gian rồi tưới nhẹ giữ độ ẩm cho cây phát triển. Nếu cây đã trồng lâu và bị ngậm nước, có hai cách khắc phục. Cách thứ nhất là vặt bỏ tất cả lá cây, sau đó khoan lỗ thoát nước và trồng lại. Cách thứ hai là vặt bỏ lá cây, đào bỏ đất, rễ xung quanh thành chậu độ 10 phân, sau đó trồng lại như cách trồng đã nêu ở trên.
Trên đây là cách trồng và chăm sóc cây Lộc Vừng thực tế mà tôi đã thử nghiệm và thấy hiệu quả rất tốt. Hy vọng các bạn mới vào nghề cây cảnh cùng tham khảo và áp dụng. Cây Lộc Vừng cũng thường trồng làm cây cảnh ngoại thất.
Theo: Nguyễn Văn Ngọ