Sả là một loại gia vị phổ biến, mang lại mùi thơm tươi mới đặc trưng. Trà sả không chỉ là một thức uống dễ làm, thơm ngon mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu về lợi ích của trà sả và lưu ý khi sử dụng thức uống này.
Trà sả là gì?
Contents
Trà sả là một loại trà thảo mộc được chế biến từ sả tươi hoặc sả khô, đóng gói dạng túi lọc kết hợp với một số loại trái cây như cam, chanh, đào, tắc và mật ong. Có thể thêm một ít gừng, lá bạc hà để tăng thêm hương vị. Đơn giản chỉ cần có sả và nước lọc là có thể tự chế biến ra ly trà sả thơm ngát.
Các công thức khác với trà sả bao gồm đun gừng cùng sả như trên, thêm vài lát cam hoặc chanh, ít lá bạc hà vò nát sau khi tắt bếp. Thêm đường, mật ong để tạo vị ngọt là có thể thưởng thức ly trà đầy thơm ngon.
Lợi ích khi uống trà sả
Trà sả không chỉ là thức uống giải khát thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
Giúp giải tỏa căng thẳng, lo âu
Theo trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, ngửi mùi sả có thể giúp giải tỏa căng thẳng và lo âu. Một số người thường hít tinh dầu sả chanh để giảm căng thẳng và lo lắng.
Làm giảm cholesterol máu
Theo một nghiên cứu, tiêu thụ tinh dầu sả có tác dụng làm giảm cholesterol ở động vật. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xem liệu trà sả có tác dụng tương tự như tinh dầu sả hay không.
Giúp tăng cường sức khỏe răng miệng
Ở nhiều quốc gia có cây sả, người dân thường nhai thân cây sả để cải thiện sức khỏe răng miệng và giữ cho miệng luôn sạch sẽ, thơm tho. Một nghiên cứu trong ống nghiệm năm 2012 cho thấy, tinh dầu sả có khả năng kháng khuẩn chống lại vi khuẩn Streptococcus mutans, vi khuẩn gây sâu răng.
Tăng cường lượng tế bào hồng cầu
Kết quả của một nghiên cứu cho thấy uống trà sả hàng ngày trong 30 ngày có thể làm tăng nồng độ hemoglobin, dung tích hồng cầu, và số lượng hồng cầu trong cơ thể.
Giúp thanh lọc cơ thể
Uống trà sả có tác dụng lợi tiểu, kích thích thận thải ra nhiều nước và muối dư thừa hơn bình thường. Trà sả giúp thúc đẩy sự trao đổi chất, tiêu hóa nhanh hơn và đốt cháy nhiều calo hơn.
Hỗ trợ giải cảm
Sả có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm, giúp bạn đối phó với cảm lạnh, ho và cảm cúm. Ngoài ra, nó chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bạn. Đun sôi một ít sả tươi cùng với đinh hương, gừng và một chút trà. Phương pháp đơn giản này có hiệu quả trong việc trị ho, tiêu đờm và sát khuẩn cổ họng.
Lưu ý khi uống trà sả
Sả thường được coi là an toàn để sử dụng trong thực phẩm, bao gồm cả lượng thường được sử dụng để pha trà. Tuy nhiên, nếu đang trong tình trạng sức khỏe đặc biệt hay có bệnh lý nền, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng sả hằng ngày.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra nếu sử dụng thường xuyên bao gồm: chóng mặt, nhanh đói, khô miệng, tăng đi tiểu, mệt mỏi,… Hạn chế nguy cơ dùng quá liều bằng cách bắt đầu với việc uống 1 cốc trà sả/ngày (khoảng 350ml), nếu cơ thể dung nạp tốt, có thể uống nhiều hơn. Ngoài ra, cần ngừng ngay hoặc uống ít hơn nếu cơ thể gặp phải các tác dụng phụ trên.
Không nên uống trà sả nếu bạn đang mang thai, uống thuốc lợi tiểu, có nhịp tim thấp, có mức kali thấp,… để tránh gặp các tác dụng phụ do sả mang lại. Trà sả là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, nó không thể thay thế các loại thuốc điều trị. Không tự ý dùng sả để chữa các bệnh lý khi không có sự chấp thuận từ bác sĩ.
Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về tác dụng của trà sả đối với cơ thể và có thể ứng dụng nó trong cuộc sống hằng ngày.
Nguồn: healthline, medicalnewstoday