Cây sung, tên khoa học Ficus racemosa, thuộc họ dâu tằm, là loại cây phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt thích sống gần ao, hồ, sông và suối.
Cây sung được biết đến với thân gỗ cao khoảng 20-30m, vỏ cây màu nâu ánh xám, nhẵn. Cành nhỏ màu nâu, chùm quả cong xuống. Quả sung mọc thành từng chùm cành, có màu đỏ nâu khi chín, phủ lông mịn, cuống ngắn. Lá sung có hình mũi giáo, đầu nhọn, phía cuống hơi tròn hơn. Lá non có lông hai mặt, khi già trở nên cứng và nguyên hoặc hơi có răng cưa.
Ở Việt Nam, cây sung được trồng khắp nơi vì dễ sống, dễ trồng và mang lại sự mát mẻ, bóng râm cho không gian. Ngoài ra, quả sung còn được sử dụng để chế biến thành món muối ăn, kho cá… Lá sung được dùng để ăn kèm với các món nem, thịt chua…
Theo y học cổ truyền, quả sung có tác dụng tăng cường tiêu hóa, giải độc, trị viêm ruột, kiết lỵ, trĩ, đau họng, mụn nhọt mẩn ngứa…
Về quan niệm phong thủy, cây sung mang đến sự may mắn, no ấm, sung túc và tròn đầy cho chủ nhân. Quả sung mọc thành chùm, gắn kết khít lấy nhau, thể hiện sự hợp nhất của tài lộc và thịnh vượng cho gia đình.
Do đòi hỏi diện tích lớn và cần được cắt tỉa thường xuyên, nhiều người đã chọn cây sung bonsai để thay thế. Cây sung bonsai đẹp và dễ trồng, phù hợp cho những người mới bắt đầu.
Trên thực tế, có nhiều loại sung khác nhau như cây sung mỹ, cây sung rừng, cây sung ngọt, cây sung dâu, cây sung nếp và cây sung tẻ. Mỗi loại có những đặc điểm riêng và được sử dụng cho mục đích khác nhau. Vì vậy, dựa vào sở thích và không gian nhà ở, sân vườn của gia đình, bạn có thể lựa chọn cây sung phù hợp nhất.
Lưu ý, cây sung thường nên được trồng bên trái hoặc bên phải cổng trước nhà. Điều này giúp thu hút tài lộc và may mắn. Bên trái được cho là vị trí thuận lợi để hấp thụ năng lượng, trong khi bên phải thường liên quan đến sự phát triển và thành công. Tùy thuộc vào mục đích cá nhân, bạn có thể lựa chọn một trong hai bên để trồng cây sung.
*Thông tin mang tính tham khảo