Nói đến “tứ đại mỹ nhân Hà thành” thời xưa, ta nhớ ngay đến cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột cờ, cô Nga Hàng Gai hay cô Bính Hàng Đẫy… Còn ở Sài Thành, không ai có thể quên nhắc đến cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà) và cô Ba “xà bông” bởi vẻ đẹp nức tiếng và khả năng đốn ngã loạt tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất Sài Thành.
1. Cô Ba Trà – cuộc đời chìm nổi và “bộ sưu tập” người tình
Sinh năm 1906 ở Cần Đước, Long An – cô Ba Sài Gòn hay cô Ba Trà (tên thật là Trần Ngọc Trà) bị hắt hủi ngay từ lúc mới sinh.
Vì quá ghen tuông nghi vợ không chung thủy nên ông tức giận thổ huyết mà chết, bà nội cô vì đau buồn cũng mất theo. Người bác ruột đã vin vào cớ này để đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà.
Chân dung của cô Ba Trà
Ba mẹ con (lúc này mẹ Trà đang mang thai đứa em của Trà) ôm nhau về nhà ngoại nương náu. Bao nhiêu khổ cực, cay đắng, cùng nỗi hận người đàn ông bạc tình – bà trút lên đầu đứa trẻ vô tội là cô. Dường như, có lúc mẹ cô đánh cô như trả thù, để rồi bao vết thương rướm máu cứ cứa lên rồi hằn sâu trong con người cô.
Vì quá nghèo, mẹ gả cô làm vợ một viên quan người Pháp ngoài ngũ tuần khi cô mới 14 tuổi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này cũng mau chóng kết thúc khi cô sang tuổi 15. Sau đó, cô còn trải qua 2 cuộc hôn nhân nữa nhưng tất cả đều dừng lại khi cô 18.
Với dung mạo xinh đẹp, cô Ba Trà nhanh chóng trở thành “ngôi sao” của đất Nam kỳ hoa lệ và dược mệnh danh là Étoile de Saigon (tạm dịch: ngôi sao Sài Gòn).
Chẳng cần làm chi nhiều, sắc đẹp của cô cũng đủ để lần lượt “đốn ngã” hàng loạt những tay chơi hào hoa, giàu có bậc nhất Sài Thành như Hắc công tử (Trần Trinh Huy), Bạch công tử (Lê Công Phước) hay công tử Bích – chủ nhà băng Đông Pháp (người một lúc “chịu chơi” tặng cô 70.000 đồng, tương đương hơn 1.150 cây vàng thời nay).
Hình ảnh Hắc công tử (trái) và Bạch công tử (bên phải) – người mê đắm cô Ba Trà
Sắc đẹp ấy của Trần Ngọc Trà còn gây ra cuộc đối đầu giữa Hắc – Bạch công tử. Có giai thoại kể rằng, không cần cô Ba mở lời, hễ Bạch công tử nghe cô Ba được Hắc công tử tặng món gì quý, ông sẽ hỏi giá và tìm mua kỳ được món quà đắt hơn để tặng người đẹp.
Vì thế, cô sở hữu không biết bao nhiêu đồ quý giá từ trang sức, áo quần hàng hiệu cho đến nhà cửa, xe cộ.
Dẫu được nhiều công tử vây quanh, không tiếc tiền cung phụng cho cô Ba tiền của ăn chơi thỏa thích nhưng lòng cô vẫn “giá lạnh”, không xiêu lòng thuộc về ai. Có lẽ vì được nuông chiều nên cô đã ngã vào con đường đỏ – đen lúc nào không hay.
Những canh bạc dần đốt sạch gia sản của người đẹp. Cô Ba bỗng nhiên “một bước xuống đường” lâm vào cảnh nợ nần, túng bấn và phải đi làm thuê ở một cửa tiệm nhỏ.
Cuộc đời đầy sóng gió của cô Ba Trà được “tiểu thuyết hóa”
Phải nói rằng, khi còn trẻ, cô Ba Trà được săn đón bao nhiêu thì khi về già, cô càng tủi khổ bấy nhiêu và rồi kết thúc cuộc đời một mình cô quạnh.
Không ai biết bà đã mất năm nào, chỉ biết rằng cuộc đời của giai nhân Trần Ngọc Trà đã khép lại bằng nốt trầm buồn…
2. Cô Ba “xà bông” – “miss Sài Gòn” đầu tiên và kiếp hồng nhan bạc mệnh
Cũng tên là cô Ba nhưng người đẹp mang danh cô Ba Thiệu (hay cô Ba “xà bông”) lại có cuộc đời và số phận dường như trái ngược hoàn toàn với cô Ba Trà.
Được sinh ra trong một gia đình quyền thế, cha của cô Ba Thiệu là thầy thông Chánh ở Trà Vinh nên cô sống rất hiểu chuyện, được học hành tử tế.
Không những vậy, cô còn sở hữu 1 sắc đẹp tuyệt trần, tới mức được ghi lại tới thời nay: “đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn (nhân) tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức…”.
Nhiều giai thoại kể rằng, tiếng tăm của cô Ba Thiệu nổi lên như cồn từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên do chính người Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn diễn ra năm 1865.
(Nguồn ảnh: Thanh Niên).
Cô đã đánh bại gần 100 cô gái xinh đẹp khác và trở thành hoa khôi đầu tiên. Thậm chí, nhiều nhiếp ảnh gia Pháp đã mời cô chụp ảnh áo tắm để đăng báo nhưng cô đã từ chối vì điều ấy không phù hợp với thuần phong mỹ tục thời đó.
Sau cuộc thi hoa hậu, cô Ba Thiệu trở thành biểu tượng của hãng xà bông Việt Nam nổi tiếng do ông Trương Văn Bền lập ra.
Trong các mẫu xà bông của hãng, mẫu nào cũng có hình của cô Ba nên hình ảnh cô lan tỏa đi khắp Sài Gòn và lục tỉnh bấy giờ. Đó cũng chính là lý do cô mang biệt danh cô Ba “xà bông”.
Dẫu vậy, hồng nhan thường đi với bạc mệnh. Gia đình cô gặp phải biến cố. Sau vụ này, cô Ba bỗng nhiên ẩn danh và qua đời không lâu sau đó.